Không điều gì khiến cho những nhân viên giỏi thấy chán nản bằng việc bị ép làm việc quá sức. Rõ ràng các NQL luôn muốn những nhân viên giỏi nhất của họ làm việc thật nhiều là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc vắt kiệt sức nhân viên là việc không nên vì nó khiến các nhân viên nghĩ rằng họ đang bị “trừng phạt” vì kết quả làm việc tốt của mình. Nhân viên làm việc quá sức cũng sẽ gây phản tác dụng. Một nghiên cứu mới từ Đại học Stanford cho thấy, năng suất làm việc mỗi giờ sẽ giảm mạnh khi nhân viên phải làm việc hơn 50 giờ/tuần, và nếu con số này tăng lên 55 giờ/tuần thì năng suất làm việc có thể giảm mạnh đến mức nhân viên không thể đem lại bất kì kết quả làm việc nào.
Nếu NQL có ý định giao thêm trọng trách cho nhân viên giỏi của mình thì điều đó nên đi kèm với hành động thăng chức cho họ. Những nhân viên giỏi hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm khối lượng việc lớn hơn nhưng họ sẽ không ở lại một công ty nếu thấy công việc đang “vắt kiệt” sức lao động của họ. Do vậy, nếu muốn tăng công việc cho nhân viên, NQL có thể tăng lương, thăng chức hay thay đổi chức danh cho họ. Nếu NQL chỉ giao thêm việc đơn giản bởi vì những nhân viên đó giỏi, nhưng không cho họ thêm bất kì ưu đãi gì, thì những nhân viên ấy sớm muộn sẽ tìm một công việc khác hứa hẹn những điều họ xứng đáng.
Các NQL rất dễ đánh giá thấp giá trị của một lời khích lệ, đặc biệt là với các nhân viên tài năng và làm việc thực sự tận tụy. Ai cũng thích những lời khen, bao gồm cả những những người làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mìnhcho công việc. Các NQL cần phải trò chuyện với nhân viên của mình để tìm ra những điều khiến họ cảm thấy hài lòng (với một vài người, đó là một lời khen, với người khác, đó là sự công nhận trước đám đông) và sau đó khen thưởng khi họ thực hiện tốt công việc. Với những nhân viên xuất sắc nhất, NQL sẽ cần phải làm điều này thường xuyên.
Hơn một nửa những người bỏ việc quyết định như vậy là do mối quan hệ với sếp của họ. Những công ty “thông minh” luôn đảm bảo các NQL biết cách cân bằng được công việc và cuộc sống. Họ là những người sếp biết chúc mừng thành công của nhân viên, đồng cảm với những nhân viên đang gặp khó khăn, và thử thách nhân viên. Những người sếp không thực sự quan tâm tới nhân viên sẽ luôn có nhiều nhân viên nghỉ việc. Không ai có thể làm việc cho một người nào đó hơn 8 tiếng một ngày khi họ không có sự kết nối và không quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài hiệu suất làm việc của nhân viên.
Khi bạn hứa với ai một điều gì đấy thì bạn đang đặt bản thân mình vào tình thế: nếu bạn thực hiện được lời hứa, bạn sẽ khiến cho người đó vô cùng hạnh phúc, nhưng nếu bạn không thực hiện được thì bạn sẽ khiến cho họ bỏ bạn mà đi. Khi NQL thực hiện đúng như lời mình cam kết, họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong con mắt của nhân viên bởi vì họ đã chứng minh được mình là người đáng tin cậy và đáng kính (hai phẩm chất rất quan trọng của một nhà lãnh đạo). Nhưng khi NQL coi nhẹ cam kết của mình, người ta sẽ coi họ như một kẻ gian xảo, vô cảm, và đáng khinh. Bởi lẽ, nếu đến cả người lãnh đạo cũng không thực hiện theo đúng cam kết của mình, thì tại sao nhân viên lại phải làm vậy?
Những nhân viên giỏi và làm việc chăm chỉ muốn làm việc với những người có cùng chí hướng. Khi NQL không cố gắng thuê những người giỏi, thì nhân viên của họ sẽ cảm thấy “bị hãm lại” khi làm việc với những người này. Thăng cấp sai người thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi bạn làm việc cật lực nhưng cơ hội thăng tiến lại được trao cho một người khác, thì đó là một sự xúc phạm lớn. Và đó chắc chắn là một lí do khiến cho những người giỏi bỏ việc.
Những nhân viên tài năng thường là những người có lòng đam mê. Vì vậy, việc tạo ra cơ hội cho họ theo đuổi đam mê của mình sẽ cải thiện năng suất và kết quả công việc. Tuy nhiên, nhiều NQL muốn nhân viên làm việc một cách gò bó. Những NQL này lo sợ rằng năng suất sẽ giảm nếu họ để cho nhân viên mở rộng sự tập trung và theo đuổi niềm đam mê. Nỗi sợ hãi này là hoàn toàn vô căn cứ. Các nghiên cứu cho thấy, những người có thể theo đuổi niềm đam mê của họ trong quá trình làm việc sẽ có một tâm trạng sảng khoái và có hiệu suất làm việc cao gấp 5 lần so với thông thường.
Khi các NQL được hỏi về sự thờ ơ của họ đối với nhân viên của mình, họ thường hay bào chữa bằng các từ như "tin tưởng", "tự giác", và "trao quyền". Điều này hoàn toàn ngớ ngẩn. Người quản lý giỏi thực hiện công việc quản lý cho dù nhân viên tài năng tới mức nào. Họ chú ý, liên tục lắng nghe cũng như phản hồi cho nhân viên.
Sự quản lý có thể có một khởi đầu, nhưng chắc chắn nó không có kết thúc. Khi NQL có một nhân viên tài năng, việc tiếp tục tìm kiếm các lĩnh vực mà nhân viên có thể hoàn thiện để mở rộng kỹ năng hoàn toàn phụ thuộc vào NQL. Nhân viên càng giỏi thì càng mong muốn có những phản hồi từ NQL, và công việc của NQL là duy trì các ý kiến phản hồi đó. Nếu NQL không làm được điều này, những nhân viên giỏi nhất sẽ trở nên chán nản hoặc tự mãn.
Những nhân viên giỏi nhất luôn tìm cách cải thiện mọi thứ họ làm. Nếu NQL lấy đi khả năng thay đổi và cải thiện công việc của nhân viên, bởi vì chỉ cảm thấy thoải mái với tình trạng hiện tại, thì điều này sẽ làm cho các nhân viên ghét công việc của mình. Việc kìm hãm khả năng sáng tạo không chỉ tạo ra rào cản cho nhân viên mà còn tạo ra rào cản cho cả NQL.
Những người sếp giỏi thử thách nhân viên để đạt những điều mà dường như ban đầu là bất khả thi. Thay vì đặt ra những mục tiêu tầm thường, họ sẽ đưa ra những mục tiêu cao ngất để đẩy con người ra khỏi giới hạn an toàn của họ. Sau đó, các NQL giỏi sẽ cố gắng bằng mọi giá để giúp nhân viên của mình đạt được những mục tiêu đó. Khi những nhân viên tài năng và thông minh nhận thấy mình đang làm những điều quá dễ dàng hay nhàm chán, họ sẽ tìm kiếm các công việc khác để thử thách bản thân.
Nếu NQL muốn giữ chân những nhân viên tốt nhất, họ cần phải xem xét lại cách mình đang đối xử với nhân viên. Vì mặc dù những nhân viên giỏi rất cứng rắn và kiên cường, tài năng của họ được đón nhận ở rất nhiều nơi. Do vậy, nhiệm vụ của NQL là làm thế nào để những nhân viên đó muốn làm việc cho họ.
RemindWork Là ứng dụng đa nền tảng (PC, Mobile) để phân công và quản lý công việc cho tổ chức nhiều cấp quản lý
Quản lý công việc mọi lúc mọi nơi bằng ứng dụng RemindWork trên Android và iOS