Đừng Đánh Giá Thấp Tầm Quan Trọng Của Quản Trị Nhân Sự Đối Với Doanh Nghiệp

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA QUẢN TRỊ NHÂN SỰ TRONG DOANH NGHIỆP

Ở một số doanh nghiệp, bộ phận nhân sự ít được coi trọng, thậm chí có những doanh nghiệp không có bộ phận này. Cũng có một số doanh nghiệp nhầm lẫn rằng quản trị nhân sự là công việc chính của phòng quản trị nguồn nhân lực, trong khi việc duy trì, đánh giá, phát triển, động viên và tạo điều kiện cho nguồn nhân lực phát huy tiềm năng lại phụ thuộc phần lớn vào các quản lý trực tiếp. Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation) - tiền thân là dịch vụ tư vấn và tuyển dụng nhân sự của PricewaterhouseCoopers Vietnam: “Trong một tổ chức, hệ thống nhân sự được chia làm ba cấp độ.

  • Cấp độ một, công tác nhân sự chỉ đơn thuần là xử lý các công việc hành chính như xếp lịch làm việc, chấm công, giải quyết tranh chấp nhỏ.
  • Cấp độ hai, tham gia vào việc lên kế hoạch đào tạo, góp tiếng nói vào quá trình tuyển dụng, thăng tiến hay sa thải nhân viên.
  • Cấp độ ba, hoạch định chiến lược, được xem là nhà tư vấn và vạch ra chiến lược phát triển cho công ty theo yêu cầu từ ban giám đốc.

Tùy vào quy mô, quan niệm của lãnh đạo công ty mà vai trò của nhà quản trị nhân sự được định hình theo từng cấp độ”.

Theo các công ty tư vấn nguồn nhân lực, nhân sự là một trong những bộ phận không thể thiếu trong một tổ chức doanh nghiệp. Đây chính là bộ phận lên kế hoạch cũng như chiến lược tuyển người, giữ người, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, ở các công ty, tập đoàn càng lớn, vai trò của quản trị nhân sự càng cao, đóng góp không nhỏ vào sự thành bại của doanh nghiệp. Anh Hoài Nam – nhân viên một công ty sản xuất giấy cho biết: “Cuối năm 2008, kinh tế lạm phát, trong khi nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nhân sự cấp cao nghỉ việc thì công ty chúng tôi vẫn không mất người nào mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn. Lý do là giám đốc nhân sự đã có những chính sách động viên, khích lệ nhân viên rất thuyết phục, thuận lòng, và hợp lý trong hoàn cảnh lúc bấy giờ”.

Ông Lý Trường Chiến – chuyên gia tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược và phát triển kinh doanh, kiêm thành viên Hội đồng Các nhà tư vấn quản trị Quốc tế của EU chia sẻ: “Bất cứ doanh nghiệp nào cũng chỉ hoạt động được khi có con người. Sự mạnh – yếu của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, để mọi người trong doanh nghiệp cùng làm việc theo một tiếng nói chung thì cần có sự gắn kết thông qua các quy định, chính sách, quy trình, chế độ, và nội quy. Tất cả điều này chỉ có thể được tạo ra bởi con người, nên công tác quản lý nhân sự là điều đặc biệt quan trọng trong một doanh nghiệp. Muốn làm tốt công việc này thì người làm công tác nhân sự cần phải biết lắng nghe, hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân viên, đồng thời truyền đạt một cách phù hợp đến ban lãnh đạo để có những chính sách “đối nội” hợp lý, và vạch ra chiến lược đúng. Thực tế, các công ty dẫn đầu luôn có đội ngũ nhân sự mạnh và chính sách hiệu quả. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của giám đốc nhân sự. Do vậy, người đứng đầu doanh nghiệp không thể xem nhẹ vai trò của công tác quản trị nhân sự, ngược lại cần có cái nhìn đúng đắn, trao quyền, tạo điều kiện cho giám đốc nhân sự phát huy tốt vai trò của mình. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ở một đẳng cấp mới”.

TỐ CHẤT CẦN VÀ ĐỦ CỦA NHÀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

Ông Huỳnh Minh Quân – Tổng giám đốc NhanViet Management Group – một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và thuê ngoài nhân sự hàng đầu tại Việt Nam cho biết: “Cần khẳng định, nhà quản trị nhân sự chính là một người quản lý thật sự. Cho nên, trước hết họ phải có tố chất của một nhà lãnh đạo. Điều này được lý giải như sau: Nhà quản trị nhân sự là người phải thường xuyên làm việc với con người, mà đây lại là nhân tố hay biến đổi và phát triển liên tục. Do vậy, chỉ khi có tố chất của một nhà lãnh đạo với các kỹ năng về quản lý, họ mới có thể thành công trong việc quản lý con người. Thứ hai, nhà quản trị nhân sự cần có khả năng tư duy logic, khả năng nhìn mọi việc theo hệ thống nhiều hơn là nhìn theo từng công việc riêng lẻ. Trước đây, người ta thường lầm tưởng người làm công tác điều hành nhân sự chính là làm về hành chính nhân sự hay làm về quản lý nội bộ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển dẫn đến sự không ngừng mở rộng về quy mô của các doanh nghiệp, lúc bấy giờ nhà quản trị nhân sự buộc phải vượt qua khỏi ngưỡng mang tính chất điều hành nội bộ hàng ngày, mà phải có tầm nhìn xa hơn (nghĩa là phải có khả năng nhìn được những cái chưa có ở hiện tại). Họ phải luôn suy nghĩ, tư duy một cách có hệ thống và bài bản, để từ đó hoạch định kế hoạch tốt hơn”.

Cũng theo bà Tiêu Yến Trinh: “Khác với giám đốc kinh doanh hay tài chính, nhà quản trị nhân sự trước hết phải là người có khả năng lắng nghe. Nếu không có khả năng đó, bạn sẽ không bao giờ làm được công tác nhân sự. Lắng nghe ở đây bao gồm cả cảm thông và chia sẻ. Phẩm chất thứ hai của người làm nhân sự là khả năng thuyết phục. Biết cách làm cho người khác nghe theo lời nói của mình là một yêu cầu cần có ở giám đốc nhân sự. Điều khó là giám đốc nhân sự phải thể hiện sự thuyết phục chứ không phải ra lệnh. Chẳng hạn, một người trưởng phòng có lương cao, công việc không áp lực nhiều, quan hệ với mọi người khá ổn, nhưng lại xin nghỉ việc. Nếu am hiểu, giám đốc nhân sự sẽ nhận ra rằng anh ta đang cảm thấy nhàm chán vì công việc. Anh ta muốn hiện thực hóa lý tưởng bản thân. Tuy nhiên, nơi anh làm việc không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Từ những hiểu biết đó, nếu tạo cho anh ta thách thức mới, công ty sẽ giữ được một nhân viên giỏi”. Một tố chất khác của nhà quản trị nhân sự, theo ông Lý Trường Chiến, là khả năng truyền thông trong nội bộ và với các cơ quan hữu quan, đảm bảo hiệu quả truyền thông cả về nội dung lẫn tâm lý, đảm bảo sự hài hòa, thống nhất và tạo ra môi trường tích cực giữa các thành viên liên quan và tập thể.

Chia sẻ bí quyết thành công của nhà quản trị nhân sự, ông Quân cho biết thêm: “Một trong những bí quyết quan trọng để thành công của người làm công tác quản lý nhân sự là phải thật sự hiểu về tổ chức của mình. Nhà quản trị nhân sự cần phải hiểu những điều sau: Tổ chức mình là gì, sẽ như thế nào trong tương lai, hiện tại có khó khăn gì, thuận lợi gì, những giá trị gì mình có thể phát triển, hoặc tổ chức hiện còn thiếu giá trị gì mình có thể bù đắp. Thứ hai, sau khi đã hiểu rõ về doanh nghiệp của mình, người làm công tác nhân sự cần hiểu về chính bản thân mình. Mình là ai? Thế mạnh của mình là gì? Hai sự hiểu biết này sẽ đảm bảo cho công tác điều hành được hiệu quả, nếu không sẽ rất khó để thành công. Người làm marketing phải hiểu rõ sản phẩm của họ là gì, khách hàng của sản phẩm đó là ai. Khi đó, công tác marketing mới được thực thi một cách có hiệu quả. Nhưng đối với nhà quản trị nhân sự thì khác, nhân sự ở đây không phải là một cá nhân riêng lẻ mà là một tập thể, một tổ chức, cho nên người điều hành muốn thành công thì buộc phải hiểu tổ chức họ dưới góc độ vô hình nhiều hơn là hữu hình. Chính vì vậy mà ngày nay, một số nhà quản trị nhân sự thường kiêm nhiệm luôn cả công việc phát triển tổ chức”.

BÀI HỌC THỰC TIỄN

Tuy biết rằng con người là vốn quý của công ty, nhưng bằng kinh nghiệm của mình, ông Lưu Nhật Huy – Giám đốc Viện Phát triển quản trị và Công nghệ mới (IMT) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp, sau khi xây dưng được một đội ngũ quản lý cấp trung và nhân viên giỏi trong mọi công việc, lại “nhức đầu” vì lâm vào tình trạng nuôi dưỡng “kiêu binh”. Hết người này đến người khác, cá nhân hoặc tập thể, liên tục đưa ra các yêu sách về quyền lợi, kèm theo lời “hăm dọa” nghỉ việc. Nguyên nhân của vấn đề không chỉ vì nhân viên cảm thấy giá trị của mình cao hơn, mà còn vì họ biết rằng công việc đã quá phụ thuộc vào họ. Khi đó, mất nhân viên đồng nghĩa với công việc trì trệ, mất thông tin và mất quan hệ với khách hàng, tức rủi ro với doanh nghiệp tăng cao. Hệ lụy của tình trạng này là sự rối ren trong giải quyết quyền lợi, nhiều lúc làm sụp đổ cả hệ thống quản lý của công ty. Để tránh tình trạng “kiêu binh”, doanh nghiệp cần cân đối giữa các yếu tố con người, quy trình và hệ thống. Khi thiết lập được một hệ thống vững vàng, quy trình làm việc và hướng dẫn công việc rõ ràng, thông tin được lưu trữ và xử lý tốt trên hệ thống máy tính, doanh nghiệp sẽ ít phụ thuộc hơn vào con người, và do vậy duy trì được tính hài hòa giữa các yếu tố quản trị trong công ty”.

Ông Chiến cũng nêu lên một thực tế: “Một số công ty lớn tuy đã thành công ty đại chúng nhưng vẫn luôn trong tình trạng biến động nhân sự, do “lệch pha” và thiếu chuyên nghiệp trong cách hành xử. Cụ thể là dù lương cao, chế độ hậu hĩnh nhưng kế hoạch phát triển cá nhân ở các công ty này không rõ ràng, không được văn bản hóa hoặc thay đổi tùy tiện”.

Từng bị thất bại trong việc quản trị nhân sự, giám đốc nhân sự của một công ty xuất nhập khẩu chia sẻ kinh nghiệm: “Do quá kì vọng vào nguồn nhân lực mới nên tôi đã chú trọng săn tìm nguồn lực này mà quên đi lực lượng lao động đã gần gũi, “nằm gai nếm mật” với công ty suốt chục năm qua, dẫn đến sự bất mãn, thiếu ổn định tâm lý của những nhân viên trụ cột cũ, còn người mới thì bị cô lập vì được ưu ái hơn. Vì vậy, trong quản trị nhân sự cần có lộ trình và chiến lược rõ ràng, giải quyết vấn đề cần theo thứ tự, thấu tình đạt lý để thu phục “nhân tâm”; khen thưởng xử phạt phải công minh, chính trực; không nên nói không tốt về nhân viên mình đã tuyển, vì điều đó chẳng khác nào cho thấy năng lực nhìn nhận, đánh giá con người của mình chưa tốt”.

Other Post


Bài Học Về Xây Dựng Môi Trường Làm Việc Lành Mạnh Từ Triết Lý Goldilocks
Friday, March 20, 2020
Goldilocks từ lâu được xem như một thách thức “kinh điển” trong quản lý và điều hành kinh doanh. Vấn đề đặt ra thách thức cho các chủ doanh nghiệp là xây dựng mối quan hệ với nhân viên thế nào cho thích hợp? Làm thế nào có được một môi trường làm việc tích cực và lành mạnh cho các nhân viên nhưng cũ...
Cách xây dựng OKR trong doanh nghiệp
Wednesday, February 5, 2020
Nói một cách đơn giản, OKR (Objectives and Key results) là phương pháp quản trị doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp định lượng và tạo ra những kết quả then chốt (key results) cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu (objectives) trong một thời hạn nhất định, thường là theo quý. Các chỉ số OKR có thể được ...
Hướng Dẫn Cơ Bản Và Chi Tiết Về Việc Quản Lý Thời Gian
Monday, April 13, 2020
Thông thường mọi người đều cho rằng thời gian là nguồn tài nguyên khan hiếm nhất của chúng ta. Cho nên, chúng ta phải kiểm soát và sử dụng nó một cách thận trọng. Chúng ta đều có cùng một lượng thời gian như nhau. Nhưng bạn sẽ thấy nhiều người nói rằng họ "không có đủ thời gian", hoặc họ "cần thêm t...
10 Lời Khuyên Giúp Bạn Điều Hành Việc Kinh Doanh Ngay Khi Còn Là Sinh Viên
Tuesday, April 21, 2020
Khi còn là sinh viên là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh – bạn không cần phải lo lắng chi trả quá nhiều loại hoá đơn, có rất nhiều nguồn lực từ nhà trường như các giáo sư và các công cụ nghiên cứu mà bạn có thể tuỳ ý sử dụng, và bạn sẽ có rất nhiều thời gian rảnh nếu biết cách sắp xếp lịch ...
RemindWork - Quản lý công việc

RemindWork Là ứng dụng đa nền tảng (PC, Mobile) để phân công và quản lý công việc cho tổ chức nhiều cấp quản lý

  • Phân công việc
  • Quản lý và theo dõi
  • Cập nhật thông tin & báo cáo
  • Tuyệt mật mã hoá dữ liệu công việc với khoá riêng và nhiều hơn nữa

Quản lý công việc mọi lúc mọi nơi bằng ứng dụng RemindWork trên Android và iOS